Chàng sinh viên ham học nhưng có hoàn cảnh khó khăn, chật vật kiếm sống bằng công việc giao hàng. Người dùng mạng biết đến anh nhiều hơn thông qua đoạn clip giao lưu với nhà văn Pháp giữa đường sách.
Giao hàng bỗng nổi lên như một cái nghề kiếm sống dễ làm không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở các tỉnh. Không được đào tạo bài bản, không phải qua trường lớp hay bằng cấp, chỉ cần có chiếc xe máy, điện thoại thông minh thì người ta có thể dễ dàng trở thành shipper. Dãi nắng dầm mưa, ngược xuôi trên đường với các đơn hàng và tiền nhận được cũng đủ để trang trải cuộc sống. Đợt dịch năm ngoái cũng là lúc không chỉ trong nước ta mà ở nước ngoài, giao hàng trở thành cứu cánh của rất nhiều người, ngay cả giới trí thức.
Từ hôm qua đến nay, tôi lướt mạng xã hội và biết đến bạn nam shipper trên đường giao hàng cho khách đã ghé vào buổi giao lưu với nhà văn người Pháp có tên Marc Levy. Trên người còn mặc nguyên chiếc áo đồng phục của công ty, anh chàng này đến dự buổi ra mắt sách và giao lưu với tác giả mình yêu thích bằng tiếng Pháp mà không cần phiên dịch khiến người xung quanh vô cùng bất ngờ.
Shipper đặt câu hỏi với nhà văn Marc Levy. Ảnh Zing
Câu hỏi mà anh chàng shipper này đặt ra với nhà văn Marc Levy có nội dung như sau: “Bác đề cập lại một cách thẳng thắn về nguồn gốc bao quát của niềm tin. Cho phép cháu được hỏi bác 1 câu hỏi. Bác đã tìm kiếm những kịch bản tinh tế như vậy ở đâu và đâu là nguồn cảm hứng ạ?”.
Có phần run khi đứng trước nhà văn mình yêu thích và trước rất nhiều người, ống kính máy ảnh nên anh shipper hơi run, câu hỏi đặt ra không được lưu loát. Nhưng có thể thấy anh chàng rất mạnh dạn thể hiện trình độ tiếng Pháp của mình. Chính việc này đã nhanh chóng tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội, các trang thông tin ồ ạt chia sẻ đoạn clip và kể lại sự việc, nhận về lượng quan tâm cực lớn của dư luận.
Chia sẻ với Zing, Phước cho biết anh chạy vội đến buổi ra mắt sách để giao lưu với nam nhà văn mình yêu thích. Cảm xúc khi đứng lên giao lưu với nhà văn Marc Levy là rất hồi hộp: “Khi được gọi lên đặt câu hỏi, mình cực kỳ hồi hộp vì thấy đông người quá, nhưng lỡ phóng lao rồi thì theo lao. Nói được một chút mình lại run và vấp cũng nhiều”.
Nam shipper giao tiếp không cần phiên dịch. Ảnh chụp màn hình, Thanh niên
Sau khi đặt câu hỏi xong, một lúc sau MC nói rằng Phước vừa xuất hiện trên mạng xã hội nên anh rất bất ngờ. Mở điện thoại ra, Phước hơi sững sờ rồi cất điện thoại để tập trung giao lưu với tác giả. “Không ngờ đến cuối sự kiện mới biết clip của mình đã hot đến vậy”, anh chia sẻ, “nếu mà mặc bộ đồ bình thường hỏi vài câu tiếng Pháp chắc cũng không ai chú ý mấy”.
Theo như tôi tìm hiểu thì được biết nam shipper này có tên Huỳnh Hữu Phước, 25 tuổi, là cựu học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM. Anh đã tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Pháp ĐH Sư Phạm TP.HCM. Anh không chỉ sử dụng thành thạo tiếng Pháp mà còn biết thêm tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Nhật. Dù học hành rất giỏi nhưng con đường sự nghiệp và cuộc sống của Phước gặp nhiều trắc trở.
Đọc trên báo Thanh niên, tôi thấy có phóng viên đến nhà tìm hiểu về gia cảnh của Hữu Phước. Anh ở trọ trong gian phòng nhỏ ở TP. Thủ Đức, TP.HCM. Tuy phòng nhỏ nhưng có gác lửng, ngăn nắp gọn gàng. Phước nuôi một con mèo, trên tường anh cho dựng kệ sách rất lớn với hàng trăm cuốn. Dù chuyển trọ nhiều lần, số sách ấy vẫn luôn được mang theo và thường xuyên bổ sung nhờ vào những lần đi tới phố sách cũ đường Trần Nhân Tôn, Q5.
Anh chàng có cuộc sống khó khăn. Ảnh Thanh niên
Được biết đến nhiều trên mạng xã hội làm Phước rất vui vì nhận được nhiều lời động viên. Tuy vậy anh cũng lo vì bản thân vốn là người hướng nội, ít chia sẻ nhiều về cá nhân lên mạng xã hội. Công việc giao hàng làm Phước ra khỏi nhà từ sáng đến khuya mới về, ngồi vào bàn đọc sách, tự học thêm ngoại ngữ mới kết thúc một ngày. Sách ngoại văn chính là niềm yêu thích nhất của Phước.
Phước học tiếng Pháp ở ĐH Sư Phạm TP.HCM, trung bình phải đóng học phí mỗi kỳ là 8 triệu đồng, một năm học kỳ là 16 triệu nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn, áp lực tinh thần từ khủng hoảng cuộc sống, anh bảo lưu việc học. Làm shipper 2 năm nay, trung bình mỗi tháng Phước kiếm được 7 – 9 triệu đồng. Tiền nhà trọ, điện nước, wifi là hơn 2 triệu đồng. Tiền ăn uống, xăng xe đi lại vừa vặn với số tiền vừa kiếm được. Cứ đều đặn mỗi ngày ra khỏi nhà từ sáng, quay về lúc khuya, nhưng nếu bệnh hoặc trục trặc gì đó phải nghỉ thì coi như tháng đó hụt tiền trang trải.
Cô Trần Lê Bảo Chân, Phó khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết Hữu Phước còn thiếu khoảng 100 tín chỉ học phần, Phước cần phải học tiếp 6 học kỳ nữa, mỗi học kỳ khoảng 8 triệu đồng, vậy là tính ra cần 48 triệu mới có thể hoàn thành việc học và tốt nghiệp Đại học. Phước cũng cho biết bản thân sẽ học thật tốt nếu có cơ hội quay lại hoàn thành hết chương trình còn dang dở.
Phước học tiếng Pháp ở ĐH Sư Phạm TP.HCM. Ảnh Zing, Thanh niên
Khi nói về việc bản thân nổi tiếng trên mạng xã hội sau khi clip mặc đồ shipper giao lưu tiếng Anh được chia sẻ rộng rãi, Phước cho biết: “Có lẽ nhiều người hay mặc định shipper là lao động chân tay và ít làm việc đầu óc, nên việc một shipper đến sự kiện sách, lại có thể giao tiếp với tác giả bằng tiếng Pháp khiến mọi người quan tâm hơn, chứ mình thấy cũng không có gì đặc biệt”.
Thật sự là chỉ thông qua một đoạn clip ngắn, Hữu Phước bỗng nổi tiếng và nhận nhiều lời khen từ cư dân mạng:
– Đằng sau lớp áo shipper là cả một bầu trời tri thức.
– Nên là đừng coi thường bất kỳ ai khi nhìn vẻ bề ngoài của họ.
– Theo đuổi nghề dịch giả đi em ơi. Đọc một cuốn sách hay nể nhà văn 10 phần thì cũng phải nể dịch giả đến 9 phần đó.
Có rất nhiều do để người ta đến với công việc phiên dịch. Hiện nay có rất nhiều shipper học thức, bằng cấp danh giá nhưng cũng làm shipper. Nguyên nhân thì có thể là do chủ động về thời gian, thu nhập dựa vào công sức lao động, thoải mái đầu óc,… hoặc trong thời gian chờ việc chính thức thì đi giao hàng là cứu cánh, vừa có tiền vừa không bỏ phí thời gian.
Ở nước ngoài có nam shipper này có tên Norazmaly, 26 tuổi, chuyên giao thức ăn. Anh có đăng tải video nói về việc trời mưa khiến anh bị ướt nhẹp nhưng vẫn động viên bản thân kiên nhẫn làm việc trong thời tiết xấu. Không ngờ, chính video này lại nhận về nhiều ý kiến trái chiều rằng anh đang cố làm ra vẻ đáng thương để mọi người thông cảm, hoặc là do ngày xưa anh không chịu học hành tử tế nên giờ phải chịu cực vậy thôi.
Đứng trước nhiều lời lẽ trái chiều, anh Norazmaly thật lòng không thể im lặng cho qua. Anh bèn đăng bằng cấp của mình lên mạng để chứng minh là mình chẳng hề ăn chơi không lo học hành như mọi người tưởng. Anh tốt nghiệp hai ngành, trong đó một là Kỹ thuật Bảo dưỡng Máy bay tại Học viện Công nghệ Hàng không, ĐH Kuala Lumpur Malaysia.
Có người nghĩ làm giao hàng “ít học”, anh shipper khoe liền 2 tấm bằng danh giá: Tại thích đi ship. Ảnh blogtuan.info
Việc đi làm shipper là anh đang hỗ trợ gia đình vì nhà anh có quán ăn nhỏ. Tuy kinh tế gia đình không khá giả nhưng bố mẹ vẫn lo cho ăn học hành tử tế. Anh chỉ mới bắt đầu công việc shipper vào tháng 12 năm ngoái và chỉ làm trong lúc rảnh rỗi. Anh thẳng thắn cho biết:
“Các shipper, hay nói chung là những người chưa có việc làm phù hợp, không nhất thiết là những người ít học. Đôi khi họ chưa tìm được vị trí hoặc công việc phù hợp với trình độ của mình hoặc mức lương mình mong muốn. Ngoài ra, tôi thấy làm shipper không có gì là tệ hay kém cả. Tôi biết có những người có bằng Master hoặc bằng Tiến sĩ nhưng vẫn thích đi làm shipper khi rảnh”.
Cuối bài đăng của mình, anh kết luận: “Đừng đánh giá thấp người khác, vì chúng ta không biết được rằng họ đang trải qua những gì. Ngay cả khi chúng ta không hỗ trợ gì được họ, cũng đừng cố hạ thấp, coi thường họ”.
Bởi vậy mới thấy, bằng cấp là một chuyện nhưng khi ra trường họ làm công việc nào lại là câu chuyện rất khác. Nguyên nhân chọn việc trái ngành thì rất nhiều, có thể chủ quan hoặc khách quan. Người học thức vẫn đi làm công việc chân tay, bình dân và vẫn lao động rất nghiêm túc, hăng say. Như vậy, không thể đánh đồng hay coi thường bất kỳ công việc nào, miễn tất cả đều kiếm tiền bằng mồ hôi công sức thì chẳng có gì đáng bị cười chê cả.